Tuy nhiên, theo một khái niệm mới, quảng cáo ngoài trời được hiểu là “out of home” (OOH), tức tất cả các loại hình quảng cáo tác động đến người tiêu dùng khi họ bước ra bên ngoài ngôi nhà đang sống. Theo khái niệm này, nhiều loại hình quảng cáo dù là “indoor” nhưng vẫn được xếp vào “outdoor”, ví dụ quảng cáo trong thang máy, trong siêu thị, trong buồng điện thoại công cộng, rạp chiếu phim, sảnh của các tòa nhà…
Hiện nay, các loại hình quảng cáo ngoài trời xuất hiện rất đa dạng. Tùy theo tính chất sản phẩm, dịch vụ cần quảng cáo, khách hàng chọn lựa hình thức quảng cáo thích hợp trong bốn loại hình cơ bản : “billboard” là quảng cáo tầm cao, thích hợp cho quảng cáo nguyên vật liệu, hàng hóa công nghiệp, xây dựng, bưu chính viễn thông hoặc các sản phẩm tiêu dùng lâu năm như ti vi, tủ lạnh, xe hơi…
Trong khi đó, loại hình “street furniture” quảng cáo ở tầm thấp như nhà chờ xe buýt, kiốt hoặc các loại banner trên đường phố, thích hợp với những sản phẩm tiêu dùng gần gũi hàng ngày như các loại thực phẩm ăn nhanh, hóa mỹ phẩm…
Ngoài ra còn có loại hình quảng cáo di động (transit) trên các phương tiện vận tải và các hình thức quảng cáo dưới dạng trưng bày hình ảnh, truyền tải thông điệp ở những khu vực thương mại dịch vụ đông người, thể hiện qua các poster, brochure, leaflet…được gọi chung là POSM (points of sale materials).
Ngoài những hình thức quảng cáo truyền thống như bảng vẽ, hộp đèn, bảng chiếu điện tử…, nhiều công ty quảng cáo đang khai thác những loại hình quảng cáo công nghệ cao như màn hình đèn LED, màn hình LCD, màn hình cảm ứng tương tác (với người tiêu dùng), kỹ thuật chiếu hình 3D vào không gian (holovision)...
Những loại hình mới nổi
Cũng theo TNS, vài năm gần đây, doanh số ngành quảng cáo ngoài trời đạt khoảng 1 tỉ USD, chiếm gần 20% doanh số chung của ngành quảng cáo. Đại diện của công ty quảng cáo ngoài trời News Outdoor, ông Nicholas Fraser, cho biết công ty này nhìn thấy tiềm năng hấp dẫn của thị trường quảng cáo ngoài trời tại Việt Nam nên đã mua cổ phần của Quảng cáo Trẻ nhằm cùng đối tác này khai thác thị trường trong tương lai.
Ông Thomas Ang, Tổng giám đốc công ty quảng cáo và tổ chức sự kiện Fuse của Singapore, tại một diễn đàn quốc tế về quảng cáo ngoài trời mới đây cũng đã đưa ra nhận định thị trường quảng cáo ngoài trời tại Việt Nam đang có xu hướng phát triển mạnh. Ông dự báo sắp tới sẽ có nhiều công ty quảng cáo quốc tế đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội và sẽ gây sự chú ý bằng những sản phẩm, dịch vụ quảng cáo chất lượng cao.
Năm rồi, Công ty Vinastar (Mỹ) đã giới thiệu dịch vụ quảng cáo rong, với nhân viên đeo màn hình Pixman 17 inch, tại hội chợ Vietnam Computer World 2006. Cũng trong thời gian này, các thương hiệu thời trang quốc tế như Gucci, Louis Vuitton, Mango, CK… lần lượt vào Việt Nam, dẫn đến sự xuất hiện hàng loạt các áp phích quảng cáo ấn tượng dọc theo các tuyến đường, tòa nhà trung tâm thành phố. Công ty Goldsun Focus Media đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để lắp đặt khoảng 1.500 màn hình LCD kích thước lớn tại các siêu thị và cao ốc. Công ty cổ phần Niên giám điện thoại và Trang vàng 2 cung cấp dịch vụ quảng cáo tại nhà chờ xe buýt…
Gần đây nhất, Công ty Cổ phần Công nghệ mới Nam Tiến đã giới thiệu ra thị trường loại thiết bị công nghệ “holovision” mới nhập khẩu với công nghệ chiếu hình ba chiều vào không gian, lạ, dự báo có sức hấp dẫn cao nhờ công nghệ hiện đại. Các loại hình quảng cáo này đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng hiệu quả tại thị trường Việt Nam như thế nào còn phải chờ thêm thời gian để các công ty nghiên cứu thị trường đưa ra số liệu.
Ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hội Quảng cáo Tp.HCM, cho rằng việc học tập, đầu tư các loại hình quảng cáo mới trên thế giới là rất cần thiết nhưng khá tốn kém đối với nhiều doanh nghiệp trong nước vì chưa đo được hiệu quả do chúng còn khá mới mẻ. Trong khi đó, một số loại hình quảng cáo truyền thống dù đã có hiệu quả nhưng vẫn chưa được khai thác đúng mức.
Ông đơn cử loại hình quảng cáo “transit”. “Tại Singapore, hầu hết các phương tiện giao thông công cộng đều là những ngôi nhà quảng cáo lưu động. Gần đây, Hà Nội đã cho phép quảng cáo trên xe buýt trở lại và loại hình này đã thu hút khá nhiều khách hàng quảng cáo. Nhưng không hiểu vì sao Tp.HCM chưa bỏ lệnh cấm”, ông Cáp nói.
Ông Dương Huy, Giám đốc phụ trách mảng quảng cáo ngoài trời của Công ty Quảng cáo Đất Việt, cho biết sản phẩm quảng cáo ngày nay không thể nhếch nhác mà thu được tiền của khách hàng.
“Chúng tôi cung cấp dịch vụ là phải bao gồm cả việc chăm sóc hình ảnh quảng cáo của khách hàng. Chúng được yêu cầu phải luôn luôn xuất hiện với sự gợi cảm hoặc ít nhất cũng tạo được những tác động tích cực đến người tiêu dùng. Do đó, trước hết, chúng phải sạch đẹp, bắt mắt”, ông Huy nói.
Ở góc độ khách hàng quảng cáo, ông Jong Yeon Jeong, Giám đốc tiếp thị của thương hiệu bánh Orion, giải thích việc lựa chọn hình thức quảng cáo “transit” rằng đây là loại hình quảng cáo rất “kinh tế”! Với giá trung bình 3.000 USD cho mẩu quảng cáo trên một chiếc xe buýt trong một năm, loại hình này rẻ hơn nhiều so với quảng cáo trên tạp chí hoặc truyền hình. “Mặt khác, nó là quảng cáo di động nên sẽ được nhiều người tiêu dùng để mắt đến”, ông Jeong nói.
Nhẩm tính con số hơn 4.000 xe buýt đang hoạt động ở Hà Nội và Tp.HCM, phục vụ cho hàng triệu lượt hành khách mỗi ngày, mới thấy hiệu quả không nhỏ của hình thức quảng cáo ngoài trời này. Ngoài ra, xe buýt còn có thêm các ưu thế khác, như xuất hiện ở các tuyến giao thông quan trọng của thành phố; thời gian hiện diện ngoài đường của mỗi xe là hơn 15 giờ/ngày; các hình ảnh quảng cáo được thiết kế ở hai bên hông xe, ngang tầm mắt người đi đường, dễ gây chú ý hơn các biển quảng cáo tầm cao.
Theo nhận định của giới chuyên môn, hình thức quảng cáo ngoài trời qua các panô, nhà chờ xe buýt, phương tiện giao thông công cộng… đã chứng minh được hiệu quả nhất định. Phổ biến nhất vẫn là các billboard, là loại hình quảng cáo đặt trên nóc và tường các tòa nhà; các biển quảng cáo được dựng độc lập, có sử dụng các kỹ thuật tiên tiến… Để thực hiện một billboard, doanh nghiệp phải tốn khoảng 30.000-80.000 USD/năm. Loại hình quảng cáo này luôn có mức cầu lớn hơn cung, do nhu cầu ngày càng tăng trong khi các công ty quảng cáo ngoài trời đã được “quy hoạch” những khu vực cố định.
Nhà chờ xe buýt cũng rất phù hợp cho hình thức quảng cáo các sản phẩm mới và quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp. Theo số liệu từ Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng, hiện Tp.HCM có hơn 350 nhà chờ và 1.000 trạm dừng xe buýt, phục vụ trên 1 triệu lượt khách/ngày. Quảng cáo tại nhà chờ xe buýt sẽ thu hút được sự chú ý của khách đi xe buýt và người đi đường. Nghiên cứu của Hiệp hội Quảng cáo thế giới cho thấy, thời gian đi lại ngoài đường của cư dân đô thị trung bình khoảng 1,5 giờ/ngày. Ở Việt Nam, tần suất này có thể cao hơn vì tốc độ giao thông chậm hơn. Giá quảng cáo ở một nhà chờ xe buýt trung bình 7.000-10.000 USD/năm.
Về hình thức quảng cáo bằng màn hình LCD tại các nơi công cộng, dự kiến đến giữa năm sau sẽ có 6.500 màn hình được lắp đặt, đồng thời khu vực quảng cáo sẽ triển khai rộng đến các bệnh viện, trung tâm thẩm mỹ, spa… Ưu điểm của hình thức quảng cáo này là tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu. Sản phẩm gia dụng, nhu yếu phẩm hàng ngày sẽ xuất hiện trên màn hình quảng cáo tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Sản phẩm cao cấp như điện thoại di động, ô tô… sẽ được quảng cáo tại các khu cao ốc văn phòng.
Với thời lượng phát 60 lần/ngày/TVC (đoạn phim quảng cáo), thông điệp quảng cáo được truyền đến khách hàng trực tiếp và liên tục. Theo định kỳ tuần hoặc tháng, doanh nghiệp tham gia quảng cáo còn được gửi báo cáo về lượt người xem quảng cáo, lượng người qua lại tại khu vực… nhằm kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh và tiết kiệm chi phí.
Nói về hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ quảng cáo hiện nay ở các công ty quảng cáo, ông Dương Huy cho biết: “Sản phẩm, dịch vụ tung ra bao nhiêu là hết bấy nhiêu”. Đứng ở góc độ nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ quảng cáo, ông Huy cho rằng kinh doanh quảng cáo chính là kinh doanh đất, mà “đất đai” dành cho quảng cáo ngoài trời hiện rất hạn hẹp. Hạn hẹp hiểu ở hai góc độ: thứ nhất, chính sách thắt chặt quảng cáo ngoài trời của cơ quan quản lý làm hạn chế không gian quảng cáo; thứ hai, quy hoạch quảng cáo không ổn định nên thiếu đất cho nhu cầu quảng cáo lâu dài
Ở loại hình được ưa chuộng nhất là các bảng quảng cáo lớn ngoài trời, do có quá ít vị trí được phép quảng cáo nên nguồn cung chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu. Còn với loại hình “street furniture” cũng rất được ưa chuộng tuy có số lượng vị trí quảng cáo nhiều hơn nhưng thực ra, rất ít khách hàng có thể độc quyền chiếm giữ lâu dài một vị trí. Việc nhiều mẩu quảng cáo phải luân phiên xuất hiện thông qua thủ pháp “lật hình” chẳng qua chỉ là sự chấp nhận bất đắc dĩ! Có thể thấy, khi các công ty quảng cáo ở trong tình thế “liệu cơm gắp mắm” thì việc khách hàng bị phụ thuộc vào sản phẩm, dịch vụ mà nhà quảng cáo cung cấp là điều dễ hiểu.
Ở góc độ thứ hai, ông Nguyễn Quý Cáp cho rằng sự không ổn định trong quy hoạch quảng cáo làm hạn chế sức phát triển của các loại hình quảng cáo chất lượng cao, cần sự đầu tư vốn lớn. Theo ông Cáp, thực hiện một billboard đèn LED hiện đại cần cả tỉ đồng chưa kể tiền thuê vị trí. Vì vậy, công ty quảng cáo phải cho thuê dài hạn, ít nhất trên ba năm mới có thể thu hồi vốn.
Tuy vậy, thời gian được phép quảng cáo ở một vị trí nào đó luôn là ẩn số. Nhà kinh doanh quảng cáo không có cơ sở để tính toán nên đã có không ít những dự định đầu tư công nghệ cao cho quảng cáo ngoài trời rơi vào bế tắc. Xét ở góc độ này, thị trường quảng cáo Việt Nam còn quá nhỏ để đầu tư những công nghệ mới. Tình hình quảng cáo ngoài trời nhìn chung tuy không thiếu về loại hình nhưng công nghệ tụt hậu và quy hoạch thiếu nề nếp, không dài hạn.
Tuy vậy, tiềm năng phát triển của ngành này lại có thể dễ dàng thấy được. Số liệu của TNS cho biết tổng chi phí quảng cáo những năm gần đây tăng từ 15-20%/năm. Và với sự phát triển của nền kinh tế như hiện nay, các chuyên gia trong ngành dự tính số tiền dành cho quảng cáo của doanh nghiệp sẽ đạt mức 15.000 tỉ đồng vào năm 2010 và 55.000 tỉ đồng năm 2020. Đây là một dự báo đầy tính kích thích cho ngành quảng cáo.
Ông Huy cho rằng với tốc độ đô thị hóa hiện nay, chỉ sau năm năm nữa, cơ sở hạ tầng, bộ mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị sẽ có nhiều thay đổi, đó là nền tảng cho hoạt động quảng cáo ngoài trời phát triển. Theo ông Cáp, sức phát triển sẽ càng mạnh mẽ hơn nếu chính sách quy hoạch quảng cáo ngoài trời trở nên cởi mở hơn, các cơ quan quản lý nhà nước không còn xem sản phẩm, dịch vụ quảng cáo như những thứ xa xỉ phẩm. “Đặc biệt, một đô thị năng động như Tp.HCM cần có những chính sách quảng cáo ngoài trời thông thoáng hơn, thay thế cho Quyết định 108 ban hành hồi năm 2002, đến nay đã quá lạc hậu”.
Quảng cáo ngoài trời được nhìn nhận là có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, do chưa có các quy định cụ thể về kích cỡ, hình thức và chất liệu của các phương tiện quảng cáo ngoài trời, nên sự phát triển này mang nặng tính tự phát, xâm phạm mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đầu tư xứng đáng cho nội dung quảng cáo ngoài trời, phổ biến vẫn là biểu tượng (logo), khẩu hiệu (slogan), hình ảnh sản phẩm… Chính sự thiếu chăm chút này đã làm giảm hiệu quả truyền thông, dù mẩu quảng cáo xuất hiện ở những vị trí đẹp trong thành phố.